Béo phì ở trẻ mầm non là gì?
Béo phì ở trẻ mầm non là tình trạng cơ thể dư thừa chất béo, tích tụ trong cơ thể dưới dạng mỡ thừa ở một số bộ phận (bụng, bắt đùi, tay, mặt…) hoặc toàn bộ cơ thể.
Một số ảnh hưởng của béo phì đối với trẻ mầm non:
- Hệ xương khớp: Trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, bệnh Blount, Gout, dị tật xương,… Hơn nữa, béo phì khiến chiều cao của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề, đánh mất cơ hội đạt được chiều cao tiềm năng.
- Tâm lý: Trẻ bị béo phì dễ bị bạn bè đánh giá, trêu chọc về ngoại hình. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ tự ti, xấu hổ.
- Khả năng sinh sản: Béo phì gây rối loạn nội tiết tố, từ đó gây nên nhiều hệ lụy như dậy thì sớm ở bé gái, hội chứng buồng trứng đa nang, yếu sinh lý ở nam giới, đái tháo đường, cường androgen,…
- Tim mạch: Trẻ mầm non bị béo phì cũng có thể mắc các bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng đường huyết,…
- Ảnh hưởng giấc ngủ: Trẻ bị béo phì dễ gặp tình trạng khó thở khi ngủ, ngủ không sâu giấc, hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Trí nhớ kém: Trí nhớ của trẻ có thể bị suy giảm do béo phì. Điều này khiến trẻ khó tập trung, khó ghi nhớ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập.

Tỉ lệ béo phì ở trẻ mầm non
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tình trạng béo phì ở trẻ không ngừng gia tăng. Tỷ lệ béo phì ở trẻ mầm non (từ 2 – 5 tuổi) chiếm 13.4 %; trẻ từ 6 – 11 tuổi chiếm 20.3%; trẻ từ 12 – 19 tuổi chiếm 21.2%. (1)
Một số nghiên cứu về tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ mầm non tại thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy: Tỷ lệ thừa cân và béo phì lần lượt là 20.5% và 16.3%. Tình trạng béo phì của trẻ bị ảnh hưởng bởi giới tính, tình trạng thừa cân và trình độ học vấn của bố mẹ, cân nặng của trẻ khi chào đời, thời gian cho trẻ ăn và thời lượng giấc ngủ ban đêm của trẻ. (2)
Nguyên nhân béo phì ở trẻ mầm non
Trẻ mầm non bị béo phì có thể do các tác động từ môi trường bên ngoài, thói quen sống hay từ các bệnh lý. Cụ thể:
- Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Nguy cơ béo phì ở trẻ tăng cao khi trẻ thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm không lành mạnh, thức ăn nhanh, nhiều đường và chất béo như bánh kẹo, gà rán, xúc xích, kem, nước ngọt…
- Thiếu kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ: Nhiều phụ huynh có quan điểm trẻ càng mập càng tốt, càng khỏe mạnh nên cho trẻ ăn không kiểm soát. Tuy nhiên, khi trẻ ăn quá nhiều, lượng dinh dưỡng và năng lượng dư thừa sẽ bị chuyển hóa thành mỡ thừa, gây béo phì.
- Lười vận động: Trẻ bị thu hút bởi các thiết bị điện tử để giải trí như tivi, điện thoại, máy chơi game,… khiến năng lượng tích tụ ngày càng nhiều, hình thành mỡ thừa.
- Yếu tố di truyền: Nguy cơ béo phì ở trẻ tăng 50% khi có bố hoặc mẹ bị béo phì và tăng 80% khi cả bố và mẹ đều béo phì.
- Trẻ mắc các bệnh gây rối loạn ăn uống: Hội chứng thèm ăn, hội chứng Pica…
- Tâm lý không ổn định: Tâm lý tự ti, tiêu cực, áp lực căng thẳng… khiến trẻ có xu hướng muốn được ăn nhiều hơn bình thường, nhất là đồ ngọt. Điều này khiến trẻ tăng cân nhanh chóng, béo phì.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Prednisone, Lithium, Amitriptyline, Paroxetine, Gabapentin, Propranolol…
Chế độ dinh dưỡng không phù hợp là nguyên nhân khiến trẻ mầm non béo phì.
Triệu chứng bệnh béo phì ở trẻ mầm non
Béo phì ở trẻ mầm non có thể dễ dàng nhận biết qua các dấu hiệu như:
- Chỉ số BMI vượt quá 20% so với mức tiêu chuẩn
- Trẻ vận động khó khăn do mỡ tích tụ nhiều tại nhiều khu vực trên cơ thể (cằm, ngực, bắp tay, đùi…) hoặc toàn bộ cơ thể.
- Thường xuyên cảm thấy thèm ăn, lượng thức ăn mỗi bữa ăn ngày càng tăng, vượt quá mức bình thường.
- Trẻ có nhu cầu ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán, thức ăn nhiều chất béo, không lành mạnh.
- Trẻ lười ăn rau, không chịu ăn hoặc rất ít ăn.
Lưu ý, các triệu chứng của béo phì ở trẻ mầm non có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý nguy hiểm như hội chứng Cursing, viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư… Do đó, khi trẻ có các dấu hiệu của béo phì hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán béo phì ở trẻ mầm non
Trẻ mầm non bị béo phì được chẩn đoán dựa vào chỉ số BMI (Body Mass Index – chỉ số khối cơ thể). Chỉ số này được tính theo công thức sau:
BMI = W/H^2 (Đơn vị: Kg/m²)
Trong đó:
- H: Chiều cao tính theo đơn vị (mét – m);
- W: Cân nặng tính theo đơn vị (kilogram – kg).
Ngoài ra, bác sĩ có thể hỏi qua về tiền sử bệnh của gia đình, thói quen dinh dưỡng, vận động của trẻ. Đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm liên quan để kiểm tra nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và lựa chọn hướng điều trị thích hợp.
Điều trị bệnh béo phì ở trẻ mầm non
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây béo phì ở trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Đối với các trường hợp gây ra bởi các bệnh lý liên quan, trẻ sẽ được điều trị béo phì kết hợp với điều trị bệnh lý nguyên nhân. Đối với các trường hợp bắt nguồn từ các vấn đề tâm lý, xã hội, việc điều trị béo phì sẽ được kết hợp với điều trị tâm lý.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp và khoa học là nguyên tắc điều trị cơ bản của béo phì. Lưu ý, mục tiêu của quá trình điều trị này là tập trung bảo vệ sức khỏe của trẻ chứ không phải giảm cân. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của trẻ mà còn tạo cho trẻ sự thoải mái, tâm lý trở nên tích cực hơn.
1. Chế độ dinh dưỡng:
- Cân chỉnh chế độ ăn uống của trẻ phù hợp với nhu cầu phát triển thể chất bình thường của trẻ, không ăn quá nhiều.
- Hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, không lành mạnh trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ như bánh ngọt, gà rán, khoai tây chiên, xúc xích, nước ngọt có ga,…
- Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm ít gia vị dạng hấp, luộc, tốt cho hệ tiêu hóa, ít đường và chất béo như khoai lang, bắp,…
- Cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau xanh nhằm bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho trẻ.
- Cho trẻ uống sữa phù hợp, tránh các loại sữa béo.
- Hạn chế các bữa ăn vặt.
2. Chế độ sinh hoạt, vận động:
- Tập cho trẻ vận động 30 – 60 phút mỗi ngày.
- Khuyến khích trẻ tham gia các bộ môn thể thao như đi bộ, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu, bơi lội…
- Hạn chế cho trẻ ngồi quá lâu, đặc biệt là vừa ăn vừa ngồi xem tivi, điện thoại, sử dụng máy tính hay chơi trò chơi điện tử.
- Trẻ cần được vận động với cường độ tăng dần và có sự giám sát của người thân hoặc chuyên gia để đảm bảo trẻ không vận động quá sức, gây nguy hiểm hay khiến trẻ ám ảnh cho những lần sau.
- Cân chỉnh thời lượng giấc ngủ, học tập và vui chơi nhằm đảm bảo trẻ cảm thấy thoải mái, không áp lực.
Trẻ nên vận động khoảng 60 phút mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh.
Biện pháp phòng tránh béo phì cho trẻ mầm non hiệu quả
Béo phì ở trẻ mầm non là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gây nhiều trở ngại tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do đó, phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa béo phì cho trẻ, gồm:
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, phù hợp với lứa tuổi.
- Cho trẻ ăn với lượng vừa đủ, không cho trẻ ăn quá nhiều, ép trẻ ăn.
- Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm giàu calo, chất béo và đường.
- Tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ thông qua các loại trái cây, rau xanh, các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt.
- Khuyến khích trẻ vận động hàng ngày. Theo CDC Mỹ, trẻ em từ 3 – 5 tuổi nên vận động 60 phút mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh.
- Tập cho trẻ tham gia các bộ môn thể thao lành mạnh như nhảy dây, chạy bộ, bơi lội, đạp xe…
- Cho trẻ ngủ đủ giấc. Theo khuyến cáo của CDC Mỹ, trẻ từ 1 – 2 tuổi nên ngủ 11 – 14 giờ/ngày; trẻ từ 3 – 5 tuổi nên ngủ 10 – 13 giờ/ngày; trẻ từ 6 – 12 tuổi nên ngủ 9 – 12 giờ/ngày; trẻ từ 13 – 18 tuổi nên ngủ 8 – 10 giờ/ngày.
- Không cho trẻ ăn uống trong vài giờ trước khi cho trẻ ngủ.
- Tránh cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử.
- Cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý liên quan (nếu có).
Béo phì ở trẻ mầm non có thể xảy ra ở bất kỳ đứa trẻ nào. Hơn nữa, bệnh còn có nguy cơ tái nhiễm cao khi trẻ trưởng thành. Do đó, quý phụ huynh không nên chủ quan, thay vào đó, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp, khoa học, không tạo áp lực và các vấn đề tâm lý cho trẻ.